Đông y trị bệnh chàm

Theo y học cổ truyền, bệnh chàm chia làm 2 thể bệnh cấp tính và mạn tính. Nguyên nhân là do phong nhiệt và thấp nhiệt gây ra, nhưng do phong nhiệt là chủ yếu. Ở thể mạn tính do phong nhiệt gây ra làm huyết táo rồi kết hợp nhau mà gây bệnh.

Đông y có các bài thuốc theo từng thể như sau

Thể cấp tính: Có 2 loại thấp nhiệt và phong nhiệt

Loại thấp nhiệt: do phong phối hợp với nhiệt và thấp; lúc đầu thấy da hơi đỏ, ngứa rồi sau một thời gian ngắn nổi cục, mụn nước, loét, chảy nước vàng.

Phép chữa: thanh nhiệt hoá thấp.

Bài 1: Sài đất 100g, bồ công anh 20g, cỏ mần trầu 20g, ké đầu ngựa 20g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 20g, kinh giới 20g, thổ phục linh 20g. Sắc với 1 lít nước, lấy còn 300ml. Trẻ em mỗi lần uống 14 - 20ml, ngày 1 lần; người lớn liều uống gấp đôi.

Bài 2: Thổ phục linh 16g, khổ sâm 12g, hoàng bá 12g, hạ khô thảo 12g, nhân trần 20g, kim ngân hoa 16g, ké đầu ngựa 12g, hoạt thạch 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Thanh nhiệt hoá thấp thang gia giảm: phục linh, hoàng cầm, hoàng bá, bạch tiễn bì mỗi vị 12g; hoạt thạch 20g, sinh địa 20g, khổ sâm 12g, kim ngân hoa 20g, đạm trúc diệp 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Vị linh thang gia giảm: hậu phác 12g, trần bì 8g, phục linh 12g, nhân trần 20g, trạch tả 16g, trư linh 12g, bạch tiễn bì 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 5: Tiêu phong đạo xích thang: Ngưu bàng tử 12g, bạc hà 4g, hoàng liên 12g, mộc thông 12g, xa tiền 16g, khổ sâm 12g, sinh địa 16g, bạch tiễn bì 8g, hoàng bá 12g, phục linh 8g, thương truật 8g. Sắc uốn ngày 1 thang.

Loại phong nhiệt: Da hơi đỏ, có mụn nước, phát ra toàn thân, ngứa gãi chảy nước, ít loét.

Phép chữa: Sơ phong thanh nhiệt trừ thấp.

Bài 1: Tiêu phong tán: khổ sâm, kinh giới, phòng phong, mộc thông, ngưu bàng tử, mỗi vị 12g; thuyền thoái 6g, sinh địa 16g, thạch cao 20g, tri mẫu 8g. Tán bột, mỗi lần uống 8-12g theo lứa tuổi. Ngày uống 2 lần sớm và tối, uống với nước ấm.

Bài 2: Long đởm tả can thang gia giảm: sinh địa 12g, trạch tả 12g, hoàng cầm, chi tử, mộc thông, long đởm thảo, sài hồ, xa tiền, mỗi vị 8g; thuyền thoái 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Tiêu phong đạo xích gia thêm thạch cao 40g, tri mẫu 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể mạn tính: Do phong và huyết táo gây ra bệnh.

Triệu chứng: Da dày thô, khô, ngứa, nổi cục, có mụn nước, hay gặp ở đầu, mặt, cổ chân, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối.

Phép chữa: Khu phong, dưỡng huyết nhuận táo.

Bài 1: Tứ vật tiêu phong ẩm gia giảm: Sinh địa, thục địa, kinh giới, mỗi vị 16g; đương quy, bạch thược, thương truật, phòng phong, địa phu tử, mỗi vị 12g; khổ sâm, bạch tiễn bì mỗi vị 8g; thuyền thoái 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Nhị diệu thang gia giảm: hoàng bá, hy thiêm thảo, ké đầu ngựa, phù bình, bạch tiễn bì, mỗi vị 12g; thương truật 8g, phòng phong 8g. Sắc uống.

Với trẻ còn bú

Thuốc uống: Bị chàm thể khô thì dùng bài Tiêu phong đạo xích thang nói trên; thể ướt xuất tiết cũng dùng bài này nhưng bỏ bạc hà, thêm xa tiền tử 8g. thương truật 4g.

Thuốc rửa: Lá vối tươi 100, lá kinh giới 100g,đun sôi, rửa nơi tổn thương, rồi bôi thuốc. Hoặc dùng lá trầu không, vừa đủ, giã nát rồi cho nước sôi vào dùng để rửa nơi tổn thương.

Thuốc bôi: Dùng một trong các bài thuốc sau:

Vỏ núc nác 40g, nghệ già 20g, dầu vừng vừa đủ. 2 vị sao khô tán mịn, hoà dầu vừng bôi chàm.

Thuốc mỡ: Xuyên huỳnh liên 4g, hồng đơn 4g, hồng hoa 4g, chu sa 4g. Tán bột hoà mỡ trăn bôi vết chàm.

Một số món ăn phối hợp điều trị

Cháo đậu đỏ râu ngô: Đậu đỏ,15g râu ngô 15g, hạt ý dĩ 30g. Ba vị rửa sạch cho vào nồi, nước vừa đủ, đun sôi rồi hạ lửa nhỏ, ninh thành cháo. Ăn ngày 1 liều, ăn liền 7-8 ngày.

Công hiệu: Kiện tỳ, lợi nhuận, thanh nhiệt, hành thuỷ, chữa chàm thấp nhiệt đêu thịnh.

Cháo hoa sen: Hoa sen 5 bông, gạo nếp 100g, đường phèn 15g. Ngắt lấy những bông hoa sen mới nở, rủa sạch. Gạo nếp vo sạch đổ vào nồi, cho 1.000ml nước, đun sôi rồi nhỏ lửa nấu thành cháo, bỏ đường phèn và hoa sen vào là được. Ngày dùng 1 liều thay ăn sáng.

Công hiệu: Thanh nhiệt lợi thấp chữa chàm - eczêma.

Cháo nhân sâm, bạch truật: Nhân sâm 3g, bạch truật 10g, gạo lức 100g, phục linh 100g, đường trắng 1 ít. Trước tiên cho ba vị thuốc vào nước ninh kỹ, rồi bỏ bã, đổ gạo đã vo sạch vào nước thuốc nấu thành cháo, cho đường vào là được. Ngày dùng 1 liều, ăn lúc sáng và tối.

Công hiệu: Kiện tỳ, bổ trung, lợi thuỷ, thảm thấp, chữa eczêma, chàm.

Cháo quả dâu tằm và táo tàu: Quả dâu tằm 30g, táo tàu 10 quả, bách hợp 30g, gạo lức 100g. Ba vị trên cho nước ninh kỹ, rồi bỏ bã, cho gạo đã vo sạch vào, nấu thành cháo. Ngày dùng 1 liều, dùng từ 5-10 ngày.

Công hiệu: Dưỡng huyết khu phong, tư bổ can thận, nhuận phế, thanh tâm, chữa bệnh chàm thể phong nhiệt.

Chú ý: Căn nguyên bệnh chàm rất phức tạp, các dị nguyên gây bệnh chàm rất nhiều. Do đó khi điều trị bệnh chàm phải hỏi kỹ bệnh nhân để phát hiện chính xác các yếu tố gây bệnh hoặc làm bệnh tái phát. Cũng có bệnh nhân bị chàm do chấn thương thần kinh, tâm thần. Nếu thay đổi điều kiện sinh hoạt, chế độ làm việc, ổn định thần kinh, tâm thần, bệnh chàm sẽ giảm rõ rệt. Cần chú ý chế độ ăn uống, hạn chế ăn chất kích thích mạnh như gia vị, mỡ, rượu, cà phê, chè đặc... Theo dõi thức ăn gì làm phát bệnh, tăng bệnh, để loại trừ. Chú ý bôi thuốc ở giai đoạn tiến triển của bệnh; ban đầu bôi thuốc ở một diện tích nhỏ, thấy kết quả tốt mới bôi ở diện rộng.

Lương y Minh Chánh